PHẬT SỐNG CƯU MANG GẦN 300 TRẺ MỒ CÔI KHUYẾT TẬT GIỮA LÒNG SÀI GÒN

| | Apr 10, 18 | Tin Công ty| Bình luận bài viết này
Mục lục
PHẬT SỐNG CƯU MANG GẦN 300 TRẺ MỒ CÔI KHUYẾT TẬT GIỮA LÒNG SÀI GÒN

Sáng nay trời Sài Gòn se lạnh, tôi ghé thăm chùa Kỳ Quang II cùng với đoàn từ thiện. Giữa Sài Gòn hoa lệ, chùa nằm lọt trong căn hẻm nhỏ, không quá lớn, quá phô trương mà cũng không quá nhỏ để người ta không chú ý đến. Trái ngược với không gian tĩnh lặng, linh thiêng và cái nhìn như xuyên thấu tâm hồn của hàng chục bức tượng phật với các tư thế và dáng dấp khác nhau nằm ở gian trước; gian sau ồn ào tiếng cười đùa của trẻ em, tiếng nói chuyện của bệnh nhân đang đợi được khám bệnh, tiếng quét sân, dọn dẹp của các phật tử. Người nào vào gian sau của chùa sẽ không biết mình đang ở trong chùa hay là ở trong nhà trẻ hoặc bệnh viện. Chùa gì mà không có chánh điện sừng sững, chùa gì mà không có sân rộng bao la, chùa gì không có tăng ni đêm ngày tụng kinh, chùa gì nhìn đâu cũng thấy trẻ con. 

Vâng, thầy trụ trì Thích Thiện Chiếu, một vị phật sống, đã dành hết diện tích chùa cũng như tình thương, tấm lòng của mình để xây dựng trại trẻ mồ côi của gần 300 trẻ em đủ các độ tuổi trong đó có đến phân nửa là tật nguyền. Nhưng không chỉ có trại trẻ mồ côi đâu các bạn ạ, thầy còn mở tấm lòng mình cho hàng ngàn trẻ em không có hộ khẩu thành phố, không thể đi học chính quy được thầy trực tiếp giảng dạy trong các lớp học tình thương. Tuy nhiên, vẫn chưa hết, tấm lòng của thầy còn vươn rộng ra hàng triệu bênh nhân nghèo không có tiền chữa bệnh được khám chữa miễn phí trong phòng khám bệnh của chùa. 

Thầy chẳng giống thầy trụ trì chút nào cả, có thầy trụ trì nào cầm ô đủ màu, xách theo cái nồi hầm gà rồi còn vừa đi vừa nhún nhảy, vừa cười không các bạn?  Không, tôi chưa từng thấy hình ảnh nào như vâỵ cả, chỉ có duy nhất thầy mà thôi. Mà thầy đang làm cái gì kỳ lạ quá vậy? Các sư còn nói thầy có bộ sưu tập mấy chục cây dù nữa kia, mỗi ngày xài một cái. Mà thầy sao lại có nồi hầm gà?

Tôi vừa đi theo thầy vừa ngạc nhiên vừa vui cùng niềm vui đơn giản nhỏ nhoi của thầy. Thầy đi mớm cho các con chim non của thầy đó. Các con chim non nớt, côi cút, cần tình thương. Các con chim cứ giương con mắt ngơ ngác, ngây thơ nhìn thấy thầy như nhìn thấy cha, nhìn thấy mẹ mà mừng rỡ, hạnh phúc. Cứ vài ngày một lần, có phật tử nào đem vào con gà hay miếng thịt quay cho các bé là thầy lại bỏ vào cái nồi áp suất cũ mèm của thầy để hầm thật mềm, thật thơm để các con của thầy có được tia sáng hạnh phúc loé lên trong cuộc đời côi cút, không cha, không mẹ, không người thân. 

Đối với các con, thầy là cha, là mẹ, là ông, là bà, là anh, là chị, là người thân duy nhất. Như nhỏ Hoa Đạo này, nhìn trắng trẻo xinh xắn vậy, ai biết được lúc trước nếu thầy chậm một bước là con đã có thể không hiện diện trên cõi đời này. Thầy xúc động kể lại: “Mấy năm trước đi ngang qua bãi rác, thấy cái túi xách ai bỏ còn tốt, thầy tính ghé lượm về cho mấy đứa nhỏ đựng đồ. Ai dè mở ra, a di đà phật, một đứa bé còn đỏ hỏn nằm trong, con còn không khóc, chắc tại con mệt và đói quá. Thầy ôm con vào lòng, cảm thấy niềm vui mừng, hạnh phúc, cái cảm giác chỉ có bậc làm cha làm mẹ mới có được mỗi khi được đón một sinh linh mới chào đời. Vậy mà thầy phải may mắn lắm mới được trải qua mấy trăm lần ẵm các con còn đỏ hỏn bước vào cổng chùa, bước vào cuộc đời thầy như vậy. Thật là không hạnh phúc gì bằng”. Mắt thầy ánh lên niềm hạnh phúc và xúc động khi nhớ lại giây phút đó. Đoàn chúng tôi lúc đó, không ai nói ai, nước măt cứ tuôn rơi, quá đỗi thương cho số phận các em, quá đỗi xúc động về một tấm lòng nhân ái của một đức phật sống.

Bên cạnh khu mầm non là khu các em bị khuyết tật từ sơ sinh cho đến trưởng thành. Có đứa mười mấy tuổi mà cứ nằm ngồi một chỗ, mặt ngơ ngơ ngác ngác, chỉ thỉnh thoảng cười một cái khi có ai đưa cho đồ chơi, hay có ai lại gần hỏi han. Các em này trại trẻ mồ côi còn không dám nhận vì không có đủ nhân lực, tài chính để mà lo.

Đâu phải chỉ lo cho các em 1-2 năm, hay chỉ lo ăn lo mặc. Thầy lo cho các em suốt cuộc đời và lo cả bác sĩ khám chữa bệnh trị vât lý trị liệu cho các em. Thầy xúc động kể lại: “Con biết không, có em nằm hai mươi mấy năm rồi mất. Nghĩ mà thương, người ta nằm mấy năm đã thấy tội rồi, đằng này nằm hai mươi mấy năm đằng đẵng. Nằm mà từ lúc sơ sinh cho tới lúc mất. Âu cũng là trả nợ cuộc đời xong, a di đà phật”. Cũng là số phận một con người, sao mà khổ quá các em ơi.  Kiếp trước có mắc nợ gì mà kiếp này em phải trả như vậy. Hầu như các em bị bệnh bại não mồ côi đều được đưa về đây hết. 

Không chỉ bị bại não, có em mới sinh ra chỉ lủng lẳng hai cục thịt hai bên ở nơi người ta gọi là tay. Nhìn em sáng sủa hồn nhiên như vậy ai chẳng mủi lòng thương cảm cho cuộc đời đầy giông bão sắp tới khi em lớn lên. 

Có em khuyết tật và có vấn đề về tâm thần nên không thể hoà nhập vào xã hội, em xem chùa như mái nhà của mình. Như em Tuyết Ngân, thấy tôi em chạy lại nắm tay hớn hở: “Chị ơi chị có kẹp tóc không?”. Tôi trả lời: “Chị không có, mà em thích kẹp tóc hả?”. Em nói: “Em thích kẹp tóc lắm, cái xước nè... đẹp không?”.  Tôi xúc động trả lời: “Lần sau chị vào mua kẹp cho em nhé?”. Em hồn nhiên đáp: "Em thích màu hồng nha chị”. Rồi em dẫn tôi đi vòng vòng khu trẻ em bệnh bại não và tự hào nói: “Nguyên đám này có em là biết nói chuyện đó chị, em lo cho tụi nó đó!”. 

Vâng đúng là chỉ có em là nói được, còn đâu chỉ nằm một chỗ nhìn bâng quơ và cười mà thôi. Đâu đâu vẳng lại tiếng của các cô bảo mẫu: "Mày mà lo cho ai... thân mày lo còn chưa xong nữa là...”. Tim tôi như nhói lên niềm thương cảm một số phận không biết có phải đang được sống trọn vẹn như một con người hay chỉ đang mắc kẹt trong cơ thể bệnh tật như các em khác...

Còn em Thị Tuyển, không đi được cũng không nói được, nhưng em biết điều khiển xe lăn. Chùa đã trở thành mái nhà duy nhất của em mà nếu có bước ra cổng em không biết đi đâu về đâu. Cứ thấy ai lạ em lại gần nắm tay ú ớ không biết đang muốn gì.  Tuy nhiên, có lẽ em cũng là đỡ nhất trong các bạn. Ít ra em được quan sát và được... suy nghĩ...

Gần 150 em khuyết tật các hoàn cảnh, không ai có thể tưởng tượng được chùa nhỏ xíu như vậy mà nguồn lực đâu mà lo cho nhiều em đến như vậy. Từ đâu nhỉ? Từ con gà của bà Hai hàng xóm, từ ký thịt quay thầy hay ghé mua cho các con mà không lần nào cô chủ chịu lấy tiền. Từ cái tả giấy chị kia đút vội vô phòng các em. Từ các cô bảo mẫu tình nguyện từ mọi miền đất nước về chăm sóc cho các bé từ miếng ăn đến giấc ngủ. Từ các thầy cô giáo các trường xung quanh về dạy miễn phí ở các lớp tình thương. Từ các bác sĩ tự nguyện vào khám miễn phí cho các bệnh nhân nghèo. Mọi người có thấy tấm lòng dân Việt Nam mình vĩ đại không ạ? Chỉ như vậy mà vận hành được cả bộ máy điều hành khổng lồ để nuôi dạy mấy trăm trẻ mồ côi, khám chữa bệnh hàng ngàn người dân nghèo. Chúng tôi nói đùa rằng, lúc trước thầy không đi tu mà lập công ty chắc bây giờ công ty lớn nhất nước quá. Thầy thật sự quá giỏi, quá vĩ đại.  
Thầy nói: “Mấy đứa nhỏ thích khu trò chơi lắm. Thỉnh thoảng tụi nó đòi quá, thầy chất vài chục đứa lên cái xe cà tàng của chùa chạy ra khu trò chơi cho tụi nhỏ chơi. Nhìn tụi nó tụt cầu tụt, chơi nhà banh mà cười khanh khách, thầy thấy vui lắm.  Thầy mong muốn trong lòng có ai nghĩ đến các con làm một khu vui chơi vậy ở chùa để đứa nào cũng chơi. Nghĩ là nghĩ vậy thôi ai dè có thật”. 
Nghe thầy tâm sự như vậy chúng tôi cũng thấy ấm trong lòng. Miếng ăn, cái mặc của các em đã có các tấm lòng từ khắp nơi đổ về lo, còn chúng tôi chỉ muốn đem lại tiếng cười cho các em, để cho tuổi thơ của các em có được những lần được sáng lên niềm hạnh phúc để lấp đi một phần nỗi côi cút mà số phận đã an bài.
Đó là ý nghĩa của chuyến thiện nguyện hôm nay cũng như nhiều chuyến thiện nguyện nữa trong tương lai. Nội thất COZY sẽ mang lại tuổi thơ đầy tiếng cười cho mọi trẻ em (Bring children a childhood). Nơi nào có trại trẻ mồ côi, nơi đó sẽ đong đầy tiếng cười của khu vui chơi mà COZY va khách hàng của COZY chung tay xây dựng. Như một MC nổi tiếng từng nói : “Làm từ thiện là phải la to”. Vâng, COZY đang la thật to, la to để mọi người cùng chung sức để cho các trẻ mồ côi có một tương lai tốt đẹp hơn, cho một Việt Nam nhân văn và nghĩa tình.
Nụ cười của các em như thế này là mục tiêu của chúng tôi
Con nít đứa nào chẳng thích chơi. Chơi để phát triển trí tuệ trong một cơ thể khoẻ mạnh. Đặc biệt đối với các em mồ côi, được chơi để thấy cuộc đời còn hạnh phúc!
Ai chưa một lần chạm vào tâm hồn của mình, hãy đến Chùa Kỳ Quang II, những mảnh đời bất hạnh sẽ làm cho bạn ngộ ra ý nghĩa thật sự của cuộc đời. 
Mọi đóng góp xin vui lòng liên hệ:

Thầy trụ trì Thích Thiện Chiếu

CHÙA KỲ QUANG II
Địa chỉ: 154/4A Lê Hoàng Phái, P.17, quận Gò Vấp, TPHCM
Hòa thượng: Thích Thiện Chiếu
Account: TRẦN VĂN CHÂU
STK: ‎0104158918
Ngân hàng Đông Á - chi nhánh Gò Vấp

Các trại trẻ mồ côi cần khu vui chơi vui lòng liên hệ:

Nội thất COZY
Điạ chỉ: 192-198 Ngô Gia Tự, Quận 10
Điện thoại: 0917481605
www.cozyliving.com.vn
Nhà báo: Yến Nguyễn
Quay phim: Hung Nguyen
Hình ảnh: Kính O Tròng

1 bình luận

Em có quần Áo sơ sinh em xin tặng mấy em môi côi

Huệ

Để lại bình luận

Xin lưu ý, bình luận cần được phê duyệt trước khi được đăng.